Đốt tim cho đèn điện tử !!!
February 5, 2020Ở bài viết này, tôi xin giới thiệu việc đơn giản nhất dành cho các bạn mới chơi đèn. Việc khá đơn giản nhưng chắc chắn là bài học đầu tiên và quan trọng nhất của các bạn chuyển từ diy bán dẫn sang đèn điện tử. Đối với bán dẫn, các bạn quan tâm đến vấn đề lắp mạch đúng chế độ, phân cực, phân áp sao cho chuẩn chỉ. Riêng đối với đèn, việc đầu tiên các bạn quan tâm trước hết là làm sao cho đèn sáng. Đó là đốt tim.
Tất cả các đèn điện tử sử dụng trong âm thanh đều cần đốt tim. Về điện áp đốt tim và dòng đốt tim các bạn tra theo datasheet của bóng đèn. Với bóng đèn EU nói chung, tim là “heater”, với bóng đèn Mỹ thì là Filament. Các bạn tra datasheet của một bóng cơ bản rồi tìm đến phần Heater/Filament sẽ thấy thông số điện áp đốt tim, dòng đốt tim và chân đốt tim là chân nào. Ví dụ:
Dựa vào ba bức ảnh trên, ta thấy đốt tim cho đèn 211 (VT-4C) là chân số 2 và chân số 4. Điện áp đốt tim 10V và dòng điện là 3.2A. Điện áp đốt tim chấp nhận cả điện áp AC và điện áp DC. Vâng, và giờ các bạn có thể tự tin mua một cặp bóng 211, làm chassis thật đẹp, lắp một con chipamp nho nhỏ ở dưới, tôi đảm bảo đốt tim 211 sẽ sáng và mở nhạc sẽ hát!
Việc cơ bản về đốt tim cho sáng, tôi nghĩ các bạn đã thành công. Nhưng đây mới chỉ là bắt đầu. Và việc sau này khi pre-amp đèn, amp đèn đã hát, các bạn mới nhận ra rằng: muốn làm amp đèn hay thì đốt tim phải cực tốt và có nhiều kiểu đốt tim. Việc này lại trở nên quan trọng với tất cả nghệ nhân lắp bóng đèn cũng có nhiều cách. Ở đây, tôi chỉ giới thiệu các đốt tim cơ bản cho đèn tiền khuếch đại đơn giản. Còn các kỹ thuật đốt tim cao siêu khác, các bạn chủ động tìm hiểu. 😀
Với đèn công suất ở dạng SE, thường thì mỗi đèn sẽ được dùng một đường đốt tim riêng. Vì vậy việc đốt tim, treo tim, xử lý đốt tim sao cho tốt sẽ có cách độc lập và không ảnh hưởng đến bóng khác. Tuy nhiên, với bóng tiền khuếch đại thì ngược lại. Thường thì các bóng lái, tiền khuếch đại phải dùng chung nguồn đốt tim với nhau => việc ghép đốt tim lại thú vị!
Tôi sẽ lấy mẫu 02 đèn cơ bản cho việc ghép đốt tim là đèn 12AX7 và đèn 6DJ8. Với đèn 12AX7, sợi nung tim là hai sợi nối tiếp nhau, cụ thể là pin4 – pin 9 – pin 5. Mỗi sợi nung tim sẽ sử dụng điện áp là 6.3V. Như vậy, nếu ta cấp điện áp đốt tim cho 12AX7 qua pin4 – pin5 thì sẽ cấp là 6.3V + 6.3V = 12.6V hoặc cấp điện áp pin 4 – pin 9 là 6.3V (1 nửa quả) rồi tiếp là pin 5 – pin9 là 6.3V. Thường thì người ta sẽ chập pin 4 – pin 5 lại, sau đó cấp 6.3V cho pin 9, đầu còn lại cho pin 4,5. Dưới đây là hình ảnh minh họa cho các bạn dễ hiểu
Tiếp đến với đèn 6DJ8 cũng có 02 sợi đốt tim và mỗi sợi là 6.3V. Tuy nhiên, 02 sợi này lại mắc song song với nhau và chờ ra 02 chân là pin 4 và pin 5. Như vậy với đèn 6DJ8 ta chỉ có thể cấp 6.3V để đốt tim cho nó!
Giờ việc làm đèn sáng đã sẵn sàng. Nhưng đầu bài giờ lại đặt ra thêm vấn đề này. Giả sử tôi có nguồn 12.6V mà đốt tim cho 02 đèn thì làm sao? Với đèn 12AX7 thì quá đơn giản, ta cấp cho pin 4- pin 5 của 02 đèn. Hình minh họa.
Đổi lại, nếu bạn có 12.6V mà đốt cho 02 đèn 6DJ8 thì các bạn làm như nào? Hình dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu!
Vâng, và như hình ta thấy, đường đốt tim của 02 đèn sẽ được nối tiếp với nhau để tạo ra mạch 6.3V + 6.3V = 12.6V.
Tiếp đến, nếu các bạn có 6.3V mà muốn đốt 02 đèn 12AX7 thì phải làm sao? thì các nghệ nhân sẽ chập 4,5 lại thành 1 nhánh, tất cả chân 9 thành 1 nhánh, sau đó nối 02 nhánh đó về điện 6.3V.
Nếu các bạn chưa hiểu rõ về đốt tim qua bài hướng dẫn này, các bạn tham khảo một mạch đốt tim mình sưu tầm được, trích dẫn trong pre-am MX110 của McIntosh là sẽ “từ từ” hiểu!
Chúc các bạn sớm thắp được đèn ngủ của riêng mình!